Đăng ký

Tâm lý nhược tiểu

2019-03-01 19:29:23 | chia-se

Tâm lý nhược tiểu của người Việt, có lẽ ăn vào gen rồi. Là nước bé, ở cạnh nước to, lúc nào cũng sợ bị xâm lược, sợ bị Hán hóa, nên sinh ta cái tính đó. Cái này, ngoài do các biến cố lịch sử, thì có lẽ, nó còn do cách giáo dục, đặc biệt là truyền thông của lịch sử. 

Tâm lý nhược tiểu

"Nhược tiểu ở đây, là tâm lý nghĩ mình nhỏ nên phải xung lên, giãy nảy lên, kêu gào to lên, cảnh giác kỹ thêm, hét lên thật to… nhưng ẩn sâu xa là nỗi sợ hãi, là cái gan chuột nhắt."

Cái sai lầm của cha ông ta, cho đến tận ngày nay, là rót vào não chúng ta cái tính cách người Việt: hiền lành, thật thà, chăm chỉ, yêu chuộng hòa bình… Trong sử sách giảng dạy, hầu như chỉ nhắc đến cuộc chiến chống xâm lược của ngoại bang, ca ngợi sự chịu đựng, chống đỡ lại quân thù, thổi bùng lên ngọn lửa đại đoàn kết dân tộc cùng khởi nghĩa chống ách nô lệ…. Mấy ngàn năm toàn thấy khởi nghĩa chống lại ách nô lệ. Lịch sử bỏ hết những cuộc xâm lăng, mở rộng bờ cõi… Ghi sử kiểu đó, là chẳng biến dân tộc này thành… nô lệ. Mấy ngàn năm chỉ chăm chỉ thoát kiếp nô lệ. Một đất nước mang tâm lý nô lệ và nhược tiểu thì chỉ có nhục muôn kiếp.

Xem lại lịch sử các quốc gia hùng cường nhất thế giới, thì thấy, những nước mạnh mẽ, là những nước chỉ có đi xâm lược, mở rộng bờ cõi, cương thổ: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Tàu… Xem lại lịch sử Đại Việt, toàn thấy cảnh bị xâm lược. Một đất nước hiền lành, chỉ thấy bị xâm lược, thì rồi cũng sẽ bị xâm lược mà thôi. Đất nước thì cũng chẳng khác gì bộ tộc, bộ lạc, thằng nào mạnh thì thắng, yếu với hèn thì chỉ có chết. Đó là quy luật chọn lọc tự nhiên của vũ trụ rồi.

Cái này có lẽ phải xem xét lại giới. Loài người, từ khi còn là vượn mới tiến hóa, đã sẵn có phân chia giới. Con đực làm nhiệm vụ đi săn, nên phải mạnh mẽ, gánh vác không chỉ vượn cái, vượn con, mà cả đàn vượn. Con đực có sức mạnh, nên xông pha, chả sợ gì sất. Thế mới săn được mồi, đánh đuổi được vượn đực khác, mở rộng không gian sinh tồn. Con cái thì yếu đuối lắm, nên chỉ hái lượm, loanh quanh chăm con, gặp gỡ kết nối với nhau, quây quần với nhau để nhỡ có kẻ thù còn chống đỡ được… Cái tâm lý yếu đuối ấy, nó lặn vào gen đến tận bây giờ, sinh ra giới. Ngẫm lại, thấy người Việt cũng vậy, tâm lý chung cơ bản yếu đuối, tự ti, có khi còn hay khóc… Thật là một tính cách rặt đàn bà con trẻ.

Như con số đã thống kê, trong 1.100 năm lập quốc, bọn Tàu thực sự chỉ xâm lược một cách toàn diện và quy mô Đại Việt có 3 lần. Đó là Đại Việt - Tống, Đại Việt - Minh, Đại Việt – Thanh. Cuộc chiến Biên giới 1979 giới hạn quy mô, không đáng để thống kê. Vụ nhà Trần 3 lần đánh đã đời là với Nguyên Mông chứ không phải Tàu. Tính kỹ ra thì Mãn Thanh xâm lược Việt cũng không phải bọn Hán. Chỉ có vậy thôi. Và tất nhiên, hào hùng thay, những cuộc xâm lược đó, đều bị Đại Việt táng cho sấp mặt.

Giờ, quay lại chuyện Đại Việt chúng ta xưng hùng xưng bá thế nào nhé. 

Đầu tiên phải kể đến vua Lê Đại Hành: Năm 996, hơn 100 chiến thuyền của Đại Cồ Việt vượt biên giới nước Tống đánh vào Khâm Châu. Vua Tống được tin sai sứ giả mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua Lê Đại Hành để xin lui binh. Đấy, bố phải xin con.

Cũng năm đó, quân Đại Cồ Việt nổi hứng tiến đánh Ung Châu của nhà Tống. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép rằng: “Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống”.

Nhà Lý cũng rất tích cực xâm lược Tàu: Năm 1022 Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương đánh sâu vào đất nhà Tống, đến trấn Như Hồng, quân nhà Lý phá hủy kho tàng rồi rút về.

Năm 1052 thủ lĩnh Nùng Trí Cao tiến đánh và chiếm được 8 châu thuộc Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay. Nên nhớ, một châu của Tàu nó to bằng cả đồng bằng bắc bộ. Tính ra, diện tích mà cụ Nùng xâm lược to gấp 10 lần Đại Việt khi đó.

Để trả thù, năm 1054, vua Tống dấy quân xâm lược Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông không những đánh bại nhà Tống, mà còn đánh luôn sang đất Tống cho bõ ghét. Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi lại rằng: “Đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc”. Các sách sử của Trung Quốc có ghi chép lại: Vua Lý đã chiếm các động Cổ Vạn, Tư Lẩm và Chiêm Lăng, giết quan nhà Tống là Lý Duy Tân, bắt nhiều quân Tống nhưng vẫn không lui binh. Vua Tống và các quan lộ Quảng Tây phải ra dụ cấm Tiêu Chú gây sự với Đại Việt, rồi vua Lý mới rút quân về.

Năm 1060, vua Lý Thánh Tông sai Thân Thiệu Thái đánh sang Tống chiếm hết vùng Quảng Đông, diện tích to gấp vài lần Đại Việt. Vua Tống phải sai người sang Đại Việt để nghị hòa, mong quân Việt rút về nước và hứa sẽ không xâm phạm biên giới nữa.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, vua Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi, nhà Tống nhân cơ hội này huy động 60 vạn cấm binh thiện chiến thôn tính Đại Việt. Biết ý đồ của Tống, và thấy ngứa mắt quá, Lý Thường Kiệt đem binh sang xâm lược luôn cả Châu Ung và Châu Khâm, tức Quảng Đông bây giờ, tổng số địa giới to bằng 10 lần Đại Việt. Trận công thành Ung Châu 40 ngày, giết không biết bao nhiêu tướng giặc, nếu chép lại, thì hùng tráng không kém gì các trận trong Tam Quốc. Trận đó, thực sự long trời lở đất, tát vỗ mặt thiên triều. Tiếc rằng, sử ta toàn bỏ các đoạn xâm lược nước khác, hoặc ghi chép rất ngắn, rồi giải thích là “phản kích tự vệ”.

Đời nhà Trần: Đầu năm 1241, vua Trần Thái Tông sai tướng Phạm Kính Ân mang quân sang tận đất Tống giết hết mấy ông vua con xưng vương quấy phá đất Việt. Đến cuối năm ấy, vua Trần Thái Tông hứng chí dẫn quân đánh thẳng đến Khâm Châu, Liêm Châu. 

Năm 1266, vua Trần Thánh Tông lên ngôi thay vua cha, cũng thể hiện đẳng cấp bằng cách dẫn thủy binh tiến đánh đến tận núi Ô Lôi thuộc Quảng Đông ngày nay. Cũng nhờ vụ xâm lược Tàu này, mà biết âm mưu quân Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Và tiếp theo, 3 lần làm thịt Nguyên Mông ở đất Đại Việt thì ai cũng rõ rồi. Nhưng, sử lại không chịu chép, sau khi làm thịt 50 vạn đại quân Nguyên, khiến Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy trốn, quân Đại Việt đã vượt biên giới đánh chiếm đến tận châu U Minh. 

Năm 1313, vua Trần Anh Tông cũng cho 3 vạn tinh binh vượt biên đánh đến Vân Động, Trấn Yên, Lôi Động, Tri Động, Quy Thuận và Dưỡng Lợi, tức là xâm lược cỡ một nửa Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ. Xâm lược xong, nhà Nguyên viết thư có ý trách, vua Anh Tông mới giả lại đất.

Thời Hậu Lê thì quân Đại Việt có vẻ kém hung hãn hơn, khi chỉ đánh loanh quan biên giới: Năm 1479, vua Lê Thánh Tông đánh sang Vân Nam, dựng căn cứ ở Mông Tự bây giờ. Nhà Minh phải thương lượng với chịu rút quân. Năm 1480, tức một năm sau, vua Lê lại sai các tướng đánh chiếm Ôn Châu, Ban Đông. Thực ra, vua Lê đánh không sâu, là để diễu võ dương oai, dằn mặt nhà Minh không được can thiệp khi ông tiến quân xâm lược các nước khác.

Đấy là các vụ đánh thiên triều, khiến các thành trì phía nam Tàu mấy trăm năm khốn đốn thiệt hại mạng người không kể xiết. Còn, các nước phía Nam và phía Đông thì cả ngàn năm là chư hầu của Đại Việt. Dù Đại Việt là chư hầu cho Tàu, nhưng lại có mấy chư hầu phía dưới. Tất cả các quốc gia phía dưới, có ai dám xưng Hoàng đế, mặc long bào ngang cơ thiên triều Tàu như các vua Đại Việt đâu.

Nổi bật trong số các quốc gia bị xóa tên, Chăm Pa là quốc gia cực thịnh, có nền văn hóa rực rỡ, kinh tế thuộc dạng giàu có bậc nhất Đông Nam á, đã bị Đại Việt tiêu diệt. 

Lời Lý và Trần, Đại Việt hùng mạnh, liên tục xâm lược Chăm Pa, bắt vương triều này cống nạp đủ các thứ, ngoài châu báu thì cả gái đẹp, nghệ nhân… Hai nước lúc lên voi xuống chó, đều gây hấn với nhau. Thằng Chăm mạnh thì xâm lược Đại Việt mục đích đòi đất, còn lúc Đại Việt mạnh thì xâm lược Chăm để chiếm đất. Nhưng về cơ bản, cứ sau mỗi trận đánh, bờ cõi Đại Việt lại dài thêm về phương Nam. Thời nay máy bay thì nhanh, chứ xưa các cụ đi bộ với cưỡi ngựa thì rạc cẳng.

Tinh thần hiếu chiến của vua Lê Thánh Tông thể hiện qua cuốn Bình Chiêm sách mà ông đã soạn. Đưa ra chiến lược xong, ông huy động 25 vạn quân xâm lược Chiêm thành, mặc kệ nhà Minh đe dọa. Bình định xong, ông xẻo mất nửa nước này gộp vào Đại Việt. Phần còn lại chia thành 3 nước, bổ nhiệm vua. Với trò xâm lược này, nước Chăm Pa không bao giờ phục hồi lại được nữa và hoàn toàn biến thành chư hầu của Đại Việt. Có tài liệu chép rằng, nhiều cuộc xâm lăng, còn biểu dương bằng tiền mặt cho binh sĩ khi cắt đầu được nhiều người Chăm.

Với việc chia nhỏ các quốc gia phía Nam, đến đời sau thì các vua con Đại Việt dễ dàng trong việc bình định và xâm lược. Hễ cầm quân xâm lược là thắng lợi, là chiếm được đất, bất kể các quốc gia phía dưới đều là chư hầu của Tàu quốc. 

Đến thời Nguyễn thì lãnh thổ Đại Việt liên tục được mở rộng nhờ các cuộc xâm lăng. Nhờ vua Lê chia nhỏ các quốc gia, mà chúa Nguyễn như hổ báo, thích chiếm chỗ nào là ăn chỗ đó. Cuối cùng, ông làm thịt luôn vài quốc gia, mở lãnh thổ đến tận Cà Mau. Giờ ngồi đọc lịch sử, xác lập lại vùng đất với các quốc gia, thì thấy có đến chục vương quốc bị chúa Nguyễn xóa sổ khỏi bản đồ thế giới, gồm các quốc gia ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nam Bộ. Bọn Xiêm La (Thái Lan) sợ bị xâm lược, đã kéo quân xuống đánh, thì 25 hay 30 vạn lính Thái bị diệt sạch. Không chỉ mở rộng quốc gia thời bấy giờ lên con số gần 600.000km2 (gần gấp đôi bây giờ), mà ông còn chiếm hầu hết các đảo ở Biển Đông, đem lính ra cả Hoàng Sa, Trường Sa để xác lập lãnh thổ gần triệu km2 mặt nước biển. Ngẫm lại, đúng là vãi chưởng với các chúa đời Nguyễn. Công trạng nhà Nguyễn là vô bờ bến.

Tiếc rằng, mấy thằng Pháp lợn mò sang sớm quá, rồi cắt mịa đất giả lại cho Lào với Cam, nếu không, đất Việt không eo hẹp mỏng manh như bây giờ.

Nhắc đến chuyện xâm lược các chư hầu, cũng không thể không nhắc đến vua Lê Thánh Tông, vị vua nếu viết lại sử thì thực sự quá vĩ đại. Năm 1478, lúc mới 34 tuổi, vua Lê đã có một cuộc chinh phạt khiến cả Đông Nam Á sợ hãi, thiên triều máu dồn lên não, đó là dẫn 23 vạn quân làm gỏi cùng lúc 4 quốc gia gồm Bồn Man, Lão Qua (là Lào bây giờ) và Lan Na, Bát Bách Tức Phụ (Thái Lan ngày nay). Đại quân đã đánh tận sang Miến Điện. Công cuộc chinh chiến đó thảm sát không biết bao nhiêu triều đại, quân dân, khiến lịch sử những nước này vẫn còn sợ hãi. Bình định xong, thì tất nhiên đặt lại phiên hiệu, đặt lệ triều cống, rồi mới rút về. Trận xâm lăng viễn chinh đó đã biến Đại Việt thành thiên triều thực sự, là cường quốc bán đảo Trung Ấn. Hài ở chỗ, nhà Minh cay cú vì vua Lê xâm lược 4 chư hầu, nên định dụng binh tiến sang Đại Việt, nhưng chưa kịp thực hiện ý đồ thì ông xua quân sang Trung Quốc đánh luôn 2 trận liên tiếp, vài trận rải rác khiến vua Minh phải xuống nước cầu hoà. Thật là vãi chưởng với vua Việt. 

Tóm cái váy lại cho dễ hiểu: Thời cụ Đinh lập quốc, Đại Việt chỉ chỉ là một quốc gia bé tí xíu, gồm đồng bằng Bắc Bộ và rẻo đất mỏng manh kéo dài đến Thanh Nghệ Tĩnh. Cha ông ta rất hiền lành, không tiến đánh đến Bắc Kinh, mà chỉ tiêu diệt vài “quốc gia” ở Tây Bắc, mới có được các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc như bây giờ cho anh em đi phượt. Đất đai vẫn nhỏ quá, nên làm thịt thêm vài quốc gia nữa ở phương Nam, mới có chỗ cho chúng ta đi chơi miệt vườn, uống café Võng, mới có những vườn cà phê bát ngát nơi đất đỏ bazan. Nếu, giả sử “nếu” thôi, bọn Pháp không vẽ lại sơ đồ, thì có thể giờ này, chúng ta chếch in, seo phi ở Băng Cốc, Phờ nôm pênh, Viêng Chăn, chắc gì đã cần thò cái hộ chiếu làm thủ tục.

Lịch sử ông cha chúng ta hào hùng như vậy đấy, Tàu thì không xâm lược, đồng hóa nổi, trong khi đánh chiếm xâm lược hung hãn khắp nơi, thực là những anh tài kinh bang tế thế. Ấy thế mà, con cháu chúng ta, lại mang tâm lý của kẻ nhược tiểu, nô lệ, ngàn năm bị xâm lược và lúc nào cũng sợ hãi với nỗi sợ bị xâm lược.

 

Viết theo lời văn
Phạm Dương Ngọc - Diễn đàn Otofun.net

Từ khoá: việt nam, trung quốc, chiến tranh, lịch sử, quốc gia, tin tức, an ninh, xâm lược

BÀI VIẾT LIÊN QUAN